Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án thí điểm hệ thống giám sát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Nội Bài - Phú Thọ và tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình với tổng mức đầu tư hơn 210 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Theo đó, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đoạn Nội Bài-Phú Thọ là gần 65 tỷ đồng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hệ thống thông tin FPT làm chủ đầu tư.
Cụ thể, tuyến đường này sẽ được trang bị, lắp đặt 58 hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trong đó có 42 hệ thống camera lắp đặt tại 22 vị trí trên tuyến chính có chức năng có chức năng tự động phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cẩp; điều khiển xe đi không đúng phần đường quy định; không tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc và quan sát trực tuyến tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến.
▪ Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao mô hình camera an ninh ở TPHCM
Hệ thống camera giám sát giao thông tại một số tuyến đường. (Ảnh: Thanh Niên)
Còn lại 16 hệ thống camera lắp đặt tại 6 trạm thu phí có chức năng tự động nhận diện biển kiểm soát phương tiện và phát tín hiệu cảnh báo (đèn, còi) cho lực lượng cảnh sát giao thông dừng, kiểm soát phương tiện vi phạm theo quy định đồng thời trang bị, lắp đặt 4 hệ thống máy đo tốc độ tự động có ghi hình, 3 hệ thống được bố trí luân phiên giữa 6 điểm đo tốc độ cố định trên tuyến cao tốc và một hệ thống lắp đặt trên xe tuần tra theo phương án tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông.
Đối với đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình, dự án thí điểm hệ thống giám sát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến sẽ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hanel làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 151 tỷ đồng.
Với chiều dài tuyến 86,3km, tuyến đường có tổng cộng 35 điểm lắp đặt giám sát tốc độ, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp, không tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc đồng thời phân tích nhận dạng biển số để cảnh báo cho lực lượng cảnh sát giao thông dừng xử lý vi phạm tại các trạm thu phí vào, ra trên tuyến.
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án án thí điểm hệ thống giám sát xử lý vi phạm qua camera theo mô hình xã hội hóa sẽ góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông và từng bước hoàn thiện việc đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát giảm bớt sự có mặt của cảnh sát giao thông trên đường nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, dự án cũng xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu về an toàn giao thông hiện đại, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan bao gồm các hệ thống cơ sở dữ liệu của đăng kiểm phương tiện, giấy phép lái xe, giám sát hành trình, kiểm soát tải trọng, xử lý vi phạm, ... đáp ứng các yêu câu của công tác quản lý về trật tự an toàn giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện đề án lắp đặt camera giám sát xử phạt vi phạm giao thông theo hình thức BOT vào cuối tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, chậm nhất ngày 1/10 sẽ khánh thành lắp đặt hệ thống camera và tiến hành xử phạt qua camera giám sát đồng thời trên các đoạn tuyến thực hiện thí điểm.
Camera.congluc.vn/Xembaomoi.com